Vào khoảng 10 giờ sáng ngày thứ Tư theo giờ miền núi (tức 16 giờ GMT), vệ tinh quan sát Trái Đất Resurs-P1 của Nga đã bất ngờ vỡ tan thành hơn 100 mảnh vỡ có thể theo dõi được. Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, sự cố xảy ra gần khu vực quỹ đạo của ISS, buộc các phi hành gia Mỹ trên trạm phải di chuyển vào tàu vũ trụ để đảm bảo an toàn trong khoảng một giờ đồng hồ.

Tính đến chiều thứ Năm, số mảnh vỡ được radar của công ty theo dõi không gian LeoLabs (Mỹ) ghi nhận đã lên tới ít nhất 180. Các chuyên gia nhận định đám mảnh vỡ này có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng mới tan rã hoàn toàn do nằm ở quỹ đạo thấp - nơi có hàng nghìn vệ tinh lớn nhỏ đang hoạt động.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc. Phía Nga, đơn vị vận hành Resurs-P1, vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự cố có thể xuất phát từ lỗi kỹ thuật trên vệ tinh, ví dụ như việc nhiên liệu còn sót lại phát nổ.

"Do quỹ đạo thấp của đám mảnh vỡ này, chúng tôi ước tính sẽ mất vài tuần đến vài tháng để mối nguy hiểm qua đi", LeoLabs cho biết trong một tuyên bố với Reuters.

Sự cố lần này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy từ rác thải vũ trụ. Hiện có khoảng 25.000 mảnh vỡ lớn hơn 10cm - hệ quả từ các vụ nổ hoặc va chạm vệ tinh. Chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ra hiệu ứng Kessler - hiện tượng các mảnh vỡ va chạm với vệ tinh tạo ra chuỗi va chạm dây chuyền, gia tăng nguy cơ tai nạn theo cấp số nhân.

Vụ việc khiến dư luận nhớ lại sự kiện Nga phóng tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) từ Plesetsk vào năm 2021, nhằm vào một vệ tinh đã ngừng hoạt động của chính họ. Vụ nổ, được cho là nhằm thử nghiệm hệ thống vũ khí trước thềm cuộc xung đột với Ukraine, đã tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ rác thải vũ trụ và khiến Nga hứng chịu nhiều chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây.

Mặc dù Resurs-P1 cũng bay qua Plesetsk trong khoảng thời gian 88 phút sau khi vỡ tan, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đã phóng tên lửa ASAT. Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Harvard và là chuyên gia theo dõi không gian, nhận định: "Tôi khó có thể tin rằng họ sẽ sử dụng một vệ tinh lớn như vậy làm mục tiêu ASAT. Nhưng với người Nga vào thời điểm này, ai mà biết được".

Thông thường, các vệ tinh hết hạn sử dụng sẽ được điều khiển rơi xuống bầu khí quyển Trái Đất và bốc cháy. Một số trường hợp khác, chúng được đưa đến "nghĩa địa vệ tinh" cách Trái đất khoảng 36.000km để giảm thiểu nguy cơ va chạm.

Theo thông tin từ Roscosmos, Resurs-P1 đã ngừng hoạt động từ năm 2021 do lỗi thiết bị và quyết định ngừng hoạt động được công bố vào năm 2022. Kể từ đó, vệ tinh này được cho là đã hạ thấp quỹ đạo, bay qua các lớp vệ tinh đang hoạt động khác để chuẩn bị cho hành trình trở về khí quyển.

Trước tình hình trên, các chuyên gia và luật sư về không gian đang kêu gọi các quốc gia cần sớm thiết lập cơ chế quốc tế để quản lý giao thông vũ trụ, điều mà hiện tại vẫn chưa tồn tại.

Trở lại với sự cố Resurs-P1, ngay sau khi nhận được cảnh báo từ trung tâm điều khiển ở Houston vào khoảng 9 giờ tối thứ Tư theo giờ ET (tức 1 giờ sáng thứ Năm theo giờ GMT), sáu phi hành gia trên ISS đã phải thực hiện quy trình "nơi trú ẩn an toàn". Theo đó, họ nhanh chóng di chuyển vào các tàu vũ trụ mà họ đã sử dụng để đến trạm. Hai phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams lên tàu vũ trụ Starliner của Boeing, ba phi hành gia Mỹ khác cùng một phi hành gia Nga vào tàu Crew Dragon của SpaceX, trong khi phi hành gia Mỹ còn lại cùng hai phi hành gia Nga di chuyển vào tàu Soyuz. Khoảng một giờ sau, các phi hành gia đã trở lại làm việc bình thường trên trạm.